Hướng dẫn những sai lầm nên tránh ngay trong công việc

Mỗi lỗi đánh máy là một nguyên nhân khiến CV của bạn có nguy cơ bị đưa vào thùng rác. Nên nhớ, CV thường không dài, chẳng có lý do gì để mắc lỗi chính tả

1
Quá tập trung vào nhiệm vụ công việc

CV không phải là nơi để bạn liệt kê danh sách những nhiệm vụ, trách nhiệm công việc bạn gánh vác. Chẳng có nhà tuyển dụng nào thích ngồi đọc những dòng liệt kê khô cứng mang tính quy củ và lý thuyết một cách quá mức.


Một trong những lời khuyên đầu tiên các nhà tuyển dụng đưa ra trong trường hợp này là thay vì kể lể trách nhiệm, ứng viên nên thể hiện và chứng minh cho họ thấy, bạn đã làm được những gì và làm cách nào để thực sự nổi bật trong công ty. Đây là khi bạn cần đưa ra dẫn chứng cụ thể cho những thành tích của mình.

Khi nói về phần này, bạn hãy tự hỏi: làm thế nào mà bạn thực hiện công việc tốt hơn những người khác, những khó khăn, thách thức cần đối mặt là gì và làm thế nào bạn vượt qua được, kết quả của những lần vượt qua thử thách đó là gì, bạn đã nhận được những giải thưởng hay lời khen ngợi nào từ công ty, đối tác và khách hàng…

2
Dùng nhiều đại từ nhân xưng

Nên nhớ, CV là một hình thức giao tiếp trong môi trường làm việc, vì vậy, phải ngắn gọn và được viết theo một phong cách trung tính, không nên đưa vào quá nhiều đại từ nhân xưng kiểu tôi, chúng tôi.

Với những câu đã dùng đại từ, bạn nên xem lại và nếu có thể, hãy cắt đi để vừa ngắn gọn lại tránh được sự áp đặt ý chí cá nhân.

Chẳng hạn, với thành tích “tôi phát triển thị trường cho sản phẩm mới, tăng doanh số bán hàng thêm 2 triệu USD/tháng và tăng tổng lợi nhuận 12% trong phân khúc thị trường hiện tại”, bạn hoàn toàn có thể bỏ đại từ nhân xưng “tôi” đầu câu và thay vào đó là những gạch đầu dòng chỉ rõ những thành tích đã đạt được.

3
CV quá ngắn hoặc quá dài

Nhiều người cố gắng ép CV của mình gói gọn trong 1 trang giấy vì họ nghe nói CV không nên dài dòng. Để có thể gói gọn như thế, họ đành phải cắt bỏ một số mục và nhiều khi, họ có thể xóa đi những thành tích ấn tượng với nhà tuyển dụng chỉ vì cho rằng nó không mấy quan trọng.

Ngược lại, có những ứng viên lại chọn cách “viết thừa còn hơn bỏ sót”, sẵn sàng đưa vào hàng loạt những kinh nghiệm không liên quan gì đến vị trí hiện tại để… dự phòng. Kết quả là, CV của họ trở nên dài dòng, không có điểm nhấn.

Vì thế, khi tạo lập CV, mỗi dòng, mỗi câu, bạn nên tự hỏi, liệu thông tin này có giúp mình vào vòng phỏng vấn hay không. Câu trả lời sẽ giúp bạn biết nên giữ lại hay bỏ bớt thông tin đó.

4
Hô khẩu hiệu chung chung

Nhiều ứng viên bị loại ngay từ vòng hồ sơ chỉ vì CV của họ quá chung chung không nêu bật được ưu điểm, thế mạnh của bản thân. Họ cứ viết dài dòng nhưng lại chẳng có thông tin theo kiểu “tôi muốn thử sức ở một vị trí có nhiều khó khăn, thử thách, để có thể khẳng định bản thân và tìm kiếm có hội thăng tiến cho mình”. Thế nhưng, khả năng mà họ muốn khẳng định ấy nhà tuyển dụng lại không hề biết.

Với CV kiểu này, nhà tuyển dụng dễ mất cảm tình vì nó tạo cảm giác ứng viên chỉ hô khẩu hiệu, “chém gió”, còn thực tế thì chưa ai kiểm chứng. Bởi vậy, nếu bạn nghiêm túc tìm kiếm một con đường sự nghiệp, hãy đưa ra những mục tiêu cụ thể, với trình độ chuyên môn rõ ràng thay vì chỉ ngồi đó mà hô khẩu hiệu.

5
Bố cục nội dung cứng nhắc

Không ít nhà tuyển dụng phàn nàn rằng, họ không nhìn thấy sự tiến triển của ứng viên trên con đường sự nghiệp, dù có những người đã có nhiều năm kinh nghiệm, trải qua nhiều vị trí có giá. Nguyên nhân của tình trạng này là ứng viên không biết cách sắp xếp thông tin để gây chú ý, họ chỉ quen tải những mẫu CV trên mạng rồi cứ thế điền vào mà không đầu tư công sức cho hấp dẫn.

Các chuyên gia cho rằng, tất nhiên, không loại trừ việc tham khảo CV mẫu, nhưng ứng viên cần có sự sáng tạo phù hợp. Có thể bố cục theo thứ tự sau:

– Địa chỉ liên hệ: Tên, địa chỉ, email, số điện thoại

– Lĩnh vực và kinh nghiệm làm việc của bản thân

– Đảo ngược thứ tự thời gian để nhấn mạnh những thành tựu việc làm trong vòng 10-15 năm trở lại đây

– Học vấn: trình độ học vấn, chuyên môn (Với ứng viên mới tốt nghiệp, nội dung này có thể đưa lên trên, theo sau địa chỉ liên hệ).

6
Lỗi chính tả

Mỗi lỗi đánh máy là một nguyên nhân khiến CV của bạn có nguy cơ bị đưa vào thùng rác. Nên nhớ, CV thường không dài, chẳng có lý do gì để mắc lỗi chính tả ngoại trừ bạn thiếu nghiêm túc, không thèm đọc lại khi đã viết xong. Nhà tuyển dụng sẽ rất dị ứng, giống như khi bạn ăn cơm mà mắc phải những hạt sạn vậy. Thậm chí, những nhà tuyển dụng khó tính sẽ cho rằng bạn thiếu tôn trọng người đọc.

Vì thế, bạn nên đọc kỹ CV cũng như toàn bộ giấy tờ khác trong hồ sơ, để chắc chắn rằng không mắc phải những lỗi đánh máy ngớ ngẩn.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *